Thứ Sáu, 5 tháng 9, 2008

Lý Bạch

Lý Bạch, phong lưu thanh thoát, tiên thần trong thơ

Lý Bạch (701-762), tự Thái Bạch, hiệu Thanh Liên cư sĩ. Hồi nhỏ theo cha dọn đến ở làng Thanh Liên -Xương Long -Cẩm Châu nay là huyện Giang Dầu tỉnh Tứ Xuyên.

Cả cuộc đời Lý Bạch phần lớn là đi chu du thiên hạ. Thiên Bảo Nguyên niên, tức năm 742, Lý Bạch được mời đến Tràng an nhậm chức Phụng Hàn Lâm. Phong cách thơ văn của Lý Bạch nổi tiếng thời đó, rất được vua Huyền Tông tán thưởng. Về sau, do có sự bất đồng với tầng lớp quyền quý lúc bấy giờ, cho nên Lý Bạch chỉ ở Kinh thành có ba năm, rồi bỏ chức quan ra đi. Năm thứ hai sau khi xảy ra sự kiện An sử chi loạn, ông căm phẫn thời thế loạn lạc gian nan, từng tham gia Mục Phủ của Vĩnh Vương Lý Lân. Điều không may là, Vĩnh Vương và Túc Tông xảy ra cuộc đấu tranh tranh giành ngôi vua, sau khi quân của Vĩnh Vương bị thất bại, Lý Bạch cũng bị liên lụy, và phải lưu vong đến Dạ Lang, nay thuộc tỉnh Quý Châu, dọc đường được trả lại tự do.

Thơ của Lý Bạch phóng khoáng, tràn đầy trí tưởng tượng nghệ thuật và màu sắc lãng mạn, người đời sau tôn ông là "Thi tiên".

Tài ứng đối với tể tướng

Sau khi lớn lên, Lý Bạch một lòng muốn có sự đóng góp cho đất nước, bèn đi thăm Tể tướng lúc bấy giờ, mong có thể làm được việc gì đó. Trong bức thư viết cho Tể tướng, Lý Bạch ký tên mình là "Hải thượng điếu Ngao khách", có nghĩa là người câu cá ngao trên biển. Tể tướng xem chữ ký, cảm thấy người viết thư xuất ngôn không nhỏ, cho nên rất muốn gặp mặt người trẻ tuổi này, và muốn nhân cơ hội thi thố tài năng của anh ta.

Thế là, khi Lý Bạch đến phủ Tể tướng, chưa chờ Lý Bạch định thần lại, Tể tướng đã hỏi vội luôn: "Tiên sinh câu cá lớn ngoài biển khơi, xin hỏi phải dùng loại giây câu gì?"

Lý Bạch biết rằng đây là một đề thi để thử thách sự phản ứng của mình có linh hoạt hay không đây, thế là Lý Bạch liền cười nói rằng: "Tôi lấy cầu vồng làm giây câu, dùng trăng lưỡi liềm làm lưỡi câu."

Tể tướng lại hỏi: "Thế lấy gì làm mồi câu?"

Lý Bạch suy nghĩ chốc lát, nói: "Lấy những kẻ thất đức trong thiên hạ làm mồi câu".

Tể tướng nghe xong, cảm thấy Lý Bạch quả là một đại trượng phu tài ba có ý chí, liền tiến cử Lý Bạch cho nhà vua.

Tặng thơ cho Uông Luân

Uông Luân là người Kinh châu (nay thuộc Kinh châu tỉnh An Huy) thời nhà Đường, thích kết bạn với những danh sĩ, là con người khảng khái hào phóng, bỏ ra tiền ngàn vạn bạc cũng không hề tiếc tay. Lúc bấy giờ, tiếng tăm của Lý Bạch đã rất nổi trên làng thơ ca, được Uông Luân hết sức ngưỡng mộ, mong có dịp chứng kiến phong thái của vị thi tiên này.

Một hôm, Uông Luân được tin Lý Bạch sẽ đến An Huy du ngoạn, đây là một dịp may hiếm có, Uông Luân quyết định mời Lý Bạch đến nhà mình. Ông biết rằng, chỉ cần có rượu ngon, có cảnh đẹp, thì thể nào Lý Bạch cũng sẽ đến. Thế là Uông Luân liền viết luôn bức thư có nội dung sau đây: "Lý tiên sinh có thích du ngoạn cảnh đẹp không nhỉ? Chốn này của chúng tôi có vườn đào thập lý. Lý tiên sinh có thích uống rượu ngon không nhỉ? Chốn này của chúng tôi tửu điếm Vạn gia."

Nhận được bức thư có nội dung như vậy, Lý Bạch hết sức phấn khởi liền đến tận nơi. Vừa thấy Uông Luân, liền tỏ ý muốn đi thăm ngay "vườn đào thập lý" và "tửu điếm Vạn gia". Uông Luân mỉm cười nói rằng: "Hoa đào là tên gọi của đầm nước nhà tôi, mười lý đầm nước không có một cây hoa đào nào cả. Còn Vạn gia là họ của chủ cửa hàng rượu tại nơi này, chứ không phải là hàng vạn tửu gia." Lý Bạch nghe vậy, ban đầu ngỡ ngàng, sau rồi cười ha hả, liền nói: "Bái phục! bái phục!"

Uông Luân giữ Lý Bạch ở lại nhà mình mấy hôm, Lý Bạch sống ở đó rất vui. Xung quanh nhà Uông Luân, núi non bao bọc, trong khuôn viên có đầm ao nhà cửa, thanh tịch yên ả, không khác gì sống trong cảnh tiên. Ở đây, ngày nào Lý Bạch cũng uống rượu thơm, nếm thức ăn vật nhắm ngon lành, thưởng thức thơ ca, cùng bạn bè trò chuyện rôm rả. Đây chính là lối sống mà Lý Bạch cảm thấy thích thú. Do vậy mà Lý Bạch cảm thấy mình quen biết chủ nhà sao mà muộn mằn vậy. Ông từng làm hai bài thơ "Qua Uông Thị Biệt nghiệp", trong thơ, Lý Bạch ca ngợi Uông Luân như thần tiên vậy.

Hôm Lý Bạch tạm biệt ra về , Uông Luân tặng cho Lý Bạch 8 con ngựa, 10 cuộn gấm. Sau khi Uông Luân mở bữa tiệc để tiễn Lý Bạch tại nhà mình, Lý Bạch xuống con thuyền nhỏ đậu bên đầm Hoa đào, khi thuyền định rời bến, bỗng nghe thấy có tiếng hát vọng xuống. Lý Bạch quay đầu nhìn lại. Thấy Uông Luân và dân làng đang vừa múa vừa hát tiễn đưa Lý Bạch. Lý Bạch hết sức xúc động. Ông liền trải giấy mài mực, viết luôn bài thơ "Tặng Uông Luân" nổi tiếng như sau:

Lý Bạch thừa chu tương dục hành,

Hốt văn ngạn thượng đạp thanh ca.

Đào hoa đàm thủy thâm thiên xích,

Bất cập Uông Luân tống ngã tinh.

Theo thơ dịch của Ngô Văn Phú như sau:

Lý Bạch lên thuyền sắp sửa xa

Trên bờ nhịp nhảy rộn lời ca

Đào hoa đầm rộng sâu ngàn thước

Khôn sánh tình Uông tiễn đưa ta

Chính vì bài thơ này ra đời mà tên tuổi của Uông Luân nổi tiếng muôn đời sau, đầm Hoa đào cũng vì thế mà trở thành nơi phong cảnh du lịch nổi tiếng.